Cây giống Sâm Cát

Cây giống Sâm Cát 2

Cây giống Sâm Cát

  1. Tổng quát

– Tên khoa học: Millettia speciosa Champ.

– Tên thường gọi: Cát sâm.

– Họ: Cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).

– Tên gọi khác: Tài lệch, sâm nam, sâm chuột, ngưu đại lực,…

– Đặc điểm sinh học: Là cây dây leo thân gỗ, có thể leo tới 5 – 6m. Rễ củ nạc. Cành non phủ lông mềm mịn màu trắng. Lá mọc so le, lá kép lông chim lẻ gồm 7 – 13 lá chét; lá chét non có nhiều lông. Hoa màu trắng hoặc vàng nhạt, mọc thành chùm kép ở đầu cành hay ở nách lá. Quả đậu dẹt, có lông mềm, có 3 – 5 hạt, hình gần vuông. Ra hoa tháng 6 – 8, quả chín tháng 9 – 12.

Rễ củ cát sâm hình trụ đều hay hai đầu thuôn nhỏ. Mặt ngoài mầu vàng nhạt  đến vàng nâu, có nhiều vết nhăn dọc và rãnh ngang. Mặt cắt ngang mầu trắng ngà,  nhiều bột. Một khóm có thể thu hoạch  được 3 – 6 kg rễ củ.

– Sinh thái: Cây sinh trưởng bình thường ở hầu hết các dạng đất, cây mọc tự nhiên ở rừng các tỉnh vùng núi Bắc Bộ. Lượng mưa từ 1.500 – 2.500 mm/năm, nhiệt độ từ 180C – 340C. Mọc tốt trên đất có độ pH trung tính hoặc hơi kiềm.

– Công dụng cát sâm nam: Bộ phận sử dụng để làm dược liệu là rễ củ. Cát sâm được gọi như là một vị thuốc bổ mát, do đó mới có tên sâm. Thường dùng trong những trường hợp suy nhược, ho, sốt, khát nước, nhức đầu, đau nhức xương, tiểu tiện khó khăn, dùng riêng hay kết hợp với nhiều vị thuốc khác dưới dạng sắc.

Cây giống Sâm Cát 1

KỸ THUẬT TRỒNG CÂY GIỐNG CÁT SÂM, CHĂM SÓC, THU HÁI, BẢO QUẢN, CHẾ BIẾN

  1. Chuẩn bị cây giống

* Gieo hạt, tạo cây giống:

Hạt giống cát sâm: Thu hái quả vào tháng 11 khi quả chín. Quả loại đậu, khi xanh quả phồng, có long mịn, màu xanh. Khi chín quả hơi dẹt, chuyển màu vàng nâu. Sau khi thu hái phơi khô (không phơi trực tiếp trên nền bê tông), khi khô quả chuyển màu đen và tự tách hạt ra. Hạt củ cát sâm giầu dinh dưỡng nên dễ bị thối hỏng. Gieo hạt tươi sau khi thu hái càng tốt. Nếu để bảo quản phải phơi hoặc sấy khô đạt độ ẩm 12%, bảo quản trong lọ thủy tinh màu tối, kín. Trong lượng 1.000 hạt trung bình: 280,7 gam.

Xử lý hạt giống qua nước ấm (2 sôi, 3 lạnh) trong 4 – 6 giờ, ủ hạt giống trong túi vải sạch hoặc ủ trong cát sạch. Hàng ngày rửa chua, sau 5-10 ngày hạt nứt nanh đem cấy vào bầu.

  1. Làm đất, bón phân

* Chọn đất trồng: Chọn đất đồi rừng, vườn rừng có thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, đất có độ pH trung tính hoặc hơi kiềm. Độ dốc dưới 15 độ, độ cao dưới 700m so với mực nước biển, lượng mưa từ 1.500 – 2.500 mm/năm, nhiệt độ từ 180C – 350C.

– Làm đất, bón phân lót:

+ Làm đất toàn diện, lên luống. Luống rộng 1,2 – 1,5 m, rãnh luống rộng 60 – 70cm, tạo hố trên luống, kích thước 25 x 25 x 25cm. Làm đất cục bộ: Dọn sạch vườn đồi, vận chuyển cỏ rác ra khỏi khu trồng. Cuốc hố theo hàng, kích thước 40 x 40 x 40cm.

+ Bón lót và lấp hố: Bón lót 3 – 5kg phân chuồng hoai mục và 0,2kg phân NPK + 0,5kg phân vi sinh/hố. Việc bón phân lót được kết hợp với khi lấp hố và phải hoàn thành trước khi trồng từ 8-10 ngày. Lấp hố bằng đất mặt không lẫn đá, được nhặt sạch cỏ, rễ cây và đập nhỏ.

Cách bón và lấp hố: Dùng cuốc cào lớp mặt lấp đầy 1/2 chiều sâu của hố, sau đó bỏ phân theo lượng quy định xuống hố, tiếp tục lấp đất màu đến 2/3 chiều sâu của hố rồi trộn đều với phân trong hố. Cuối cùng lấp đất đầy hố, vun thành hình mu rùa cao hơn miệng hố 5cm.

Cây giống Sâm Cát 2

  1. Kỹ thuật trồng, chăm sóc

3.1 Trồng cây

– Thời vụ trồng:  Có 2 vụ trồng cây trong năm; vụ Xuân – Hè là vụ chính: từ tháng 2 đến tháng 5. Vụ Thu là vụ trồng phụ: từ tháng 8 đến tháng 9.

–  Mật độ: 5.000 – 6.000 cây/ha; tương đương với khoảng cách hàng cách hàng, cây cách cây như sau: Mật độ 5.000 cây/ha (2,0m x 1m), Mật độ 6.000 cây/ha (1,5m x 1,1m).

– Kỹ thuật trồng: Cây giống đạt tiêu chuẩn được vận chuyển khỏi vườn ươm đi trồng, bảo quản tránh cây bị đứt rễ, gẫy thân, ngọn ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây sau khi trồng.

+ Tiến hành trồng cây khi đất trong hố đủ ẩm. Nên chọn những ngày sau mưa, trời râm mát hoặc nắng nhẹ để trồng cây. Dùng cuốc hay bay moi một hốc ở giữa  hố đã lấp, sâu hơn bầu cây từ 2 – 3 cm, xé vỏ bầu, đưa bầu cây đặt  ngay ngắn xuống giữa hố đã moi, gạt đất lấp 1/2 chiều cao bầu, dùng tay kéo nhẹ vỏ bầu lên sau đó vun đất lấp kín cổ rễ và ấn chặt xung quanh bầu cây.

– Trồng dặm: Sau khi trồng cây từ 8-10 ngày phải tiến hành kiểm tra tỷ lệ sống để tiến hành trồng dặm. Cây con trồng dặm phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật như trồng chính. Việc trồng dặm phải tiến hành làm 2 – 3 đợt nhưng không kéo dài quá một tháng, đảm bảo tỷ lệ sống đạt trên 90%.

3.2. Chăm sóc

– Phủ thảm mục hoặc rơm rạ lên kín miệng hố để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Khi cây đã vươn cao, cắm cây hoặc làm giàn giá đỡ cây, cho cây leo.

– Thường xuyên theo dõi phòng trừ sâu bệnh và bảo vệ cây trồng.

– Chăm sóc 2 năm liền, mỗi năm 2 lần. Bón thúc lần 1 vào thời điểm trước ra hoa (tháng 4 – 6), lần 2 bón sau khi thu quả (tháng 11 – 12). Bón thúc kết hợp làm cỏ, vun gốc rộng 0,8 – 1,0m. Mỗi lần bón thúc 0,2 kg phân NPK Lâm Thao (5;10;3) và 1,0 kg phân vi sinh hoặc bón bổ sung phân hữu cơ hoai mục tùy theo điều kiện nông hộ, mức bón 3 – 5 kg/cây.

Cây giống Sâm Cát 3

  1. Thu hoạch và chế biến

4.1 Thu hoạch

– Sau khi trồng 3 năm có thể tiến hành thu hoạch, tuy nhiên thu hoạch tốt nhất sau khi trồng 5 – 7 năm.

– Thời gian thu hoạch: Vào tháng 11 – 12 (sau vụ quả), khi thu hoạch, cắt bỏ lá, đào củ tránh làm đứt hoặc phạm vào củ. Củ đào xong rửa sạch, cắt bỏ rễ con, phơi 1 – 2 ngày cho củ hơi héo. Phân loại củ để tiện bảo quản, chế biến. Nếu để bảo quản thì phơi hoặc sấy khô đến độ ẩm 12 – 15%.

4.2 Chế biến

Hiện nay chế biến dược liệu nói chung, Cát sâm nói riêng đều được rửa sạch bằng nước ozon và cho vào sấy ngay, không xông diêm sinh. Cách chế biến này giúp dược liệu khô cứng, giữ được màu sắc tự nhiên.

– Cách dùng: Có thể dùng củ tươi hoặc khô.

+  Chữa đau lưng, đau xương, thấp khớp: Ngày dùng 60-80 gam khô dưới dạng sắc nước uống.

+ Bồi bổ sức khỏe cho người mới ốm dậy hoặc phụ nữ sau sinh: Hầm với gà hoặc chân giò: dùng 20-40 gam khô/ngày.

+ Ngâm rượu: 1kg tươi ngâm với 5 lít rượu 30-35 độ, sau 3 tháng có thể sử dụng, hương vị rượu rất thơm ngon.

+ Đơn thuốc trong y học cổ truyền dùng cho người ho kéo dài, yếu: Cát sâm 12g, mạch môn 12g, thiên môn 8g,vỏ rễ dâu 8g, nước 500ml, sắc còn 200ml chia uống 3 lần trong ngày.

+ Đơn thuốc chữa sốt: Cát sâm 12g, cát căn 12g, cam thảo 4g, nước 400ml, sắc còn 200g chia 3 lần uống trong ngày.

  1. Bảo quản và vận chuyển

– Bảo quản Cát sâm khô trong túi polyetylen ngoài có bao tải, hoặc bảo quản kín trong chum vại. Cát sâm rất dễ bị mốc mọt, cần kiểm tra thường xuyên để xử lý. Bao tải ngoài ghi đầy đủ thông tin sản xuất gồm mã số lô sản xuất, hộ sản xuất, đơn vị sản xuất, ngày đóng gói, khối lượng…

– Bảo quản trong kho khô, thoáng, có kệ kê bao cách nền và tường, theo hàng cho thuận tiện kiểm tra định kỳ đánh giá độ ẩm, mốc mọt…

– Vận chuyển cây giống cát sâm trong xe tải kín, tránh mưa nắng làm hỏng dược liệu.

Thông tin liên hệ:

Địa chỉ: Thôn Quan Ngoại – xã Tam Quan – huyện Tam Đảo – tỉnh Vĩnh Phúc

Hotline: 0967.239.503 (Anh Thìn)

Email: [email protected]

One thought on “Cây giống Sâm Cát

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *