KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG CÂY XOAN ĐÀO TỪ HẠT

Hiện nay, ở các địa phương trên cả nước, nhu cầu trồng rừng Xoan đào là khá lớn. Tuy nhiên, năng suất, chất lượng một số rừng trồng Xoan đào vẫn chưa cao. Bên cạnh đo, cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật nhân giống cây xoan đào từ hạt tốt để các cơ sở sản xuất cây giống áp dụng. Vì vậy, việc xây dựng hướng dẫn kỹ thuật nhân giống cây xoan đào từ hạt là cơ sở quan trọng để nâng cao tỷ lệ sống và chất lượng cây giống Xoan đào. Có hướng dẫn cụ thể nhằm cung cấp chất lượng cây giống đảm bảo cho trồng rừng cung cấp nguyên liệu gỗ, đặc biệt là theo hướng cung cấp gỗ lớn ở nước ta.

Kỹ thuật nhân giống cây xoan đào từ hạt

Kỹ thuật nhân giống cây xoan đào từ hạt

1. Chọn cây trội để thu quả

  • Chọn lọc cây mẹ Xoan đào từ rừng tự nhiên, rừng trồng, vườn giống hoặc cây trồng phân tán.
  • Cây mẹ là cây đang sinh trưởng, phát triển tốt, tán cân đối, có đường kính ngang ngực từ 25cm trở lên, chiều cao dưới cành đạt từ 50% so với chiều cao thân cây trở lên, đã có quả ổn định.
  • Cây không bị sâu, bệnh hại.
Kỹ thuật chọn cây trội đủ tiêu chuẩn làm giống

2. Thu hái quả

  • Tùy theo từng vùng sinh thái, quả Xoan đào thường chín vào cuối tháng 1 đến cuối tháng 2 dương lịch hằng năm.
  • Khi chín vỏ quả Xoan đào chuyển từ màu xanh sang màu nâu tím.
  • Để đảm bảo chất lượng hạt giống cần theo dõi quả trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 dương lịch. Khi thấy quả chuyển từ màu xanh sang màu nâu tím tiến hành thu quả. Thời gian thu hái quả tốt nhất vào tháng 2 đến tháng 3 dương lịch hàng năm (tùy theo từng vùng sinh thái).
  • Phương pháp thu quả: Hái quả bằng cách sử dụng sào có ngoắc ở đầu sào để giật từng chùm quả hoặc có thể thu quả bằng cách để quả rụng xuống mặt đất và tiến hành nhặt quả.  
Quả xoan đào khi chín

3. Chế biến quả

  • Sau khi được thu hái về, quả Xoan đào được lọc để loại bỏ tạp vật, chỉ lấy quả sạch, sau đó bỏ trong bao tải hoặc vun thành đống rồi phủ lên một lớp vải ướt để ủ quả.
  • Sau 3 đến 4 ngày ủ, tiến hành đãi bỏ lớp vỏ thịt quả và tách lấy hạt.
  • Hạt sau khi đãi được rửa bằng nước sạch, sau đó để ráo nước rồi ngâm trong dung dịch Viben C nồng độ 0,15% (1,5g/1 lít nước) trong khoảng thời gian 30 phút rồi vớt ra để ráo nước rồi đem gieo ươm.
  • Mỗi kg hạt có trung bình từ 2500 đến 2900 hạt. Tỷ lệ hạt/quả trung bình chiếm từ 49 đến 52%. Đường kính hạt trung bình dao động từ 8,0 đến 9,5mm và chiều cao hạt trung bình giao động từ 6,0 đến 7,0mm.

4. Bảo quản hạt

  • Hạt sau khi tách khỏi quả nếu chưa gieo ươm ngay thì cần được bảo quản để giữ được tỷ lệ nảy mầm của hạt. Do hạt Xoan đào có tinh dầu nên nếu càng gieo ươm muộn thì tỷ lệ nảy mầm của hạt càng giảm đi rõ rệt.
  • Hạt được bảo quản bằng cách để trong các tủ bảo quản chuyên dụng hoặc bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 5oC và luôn duy trì được độ ẩm trong nhân hạt từ 39,8% đến 40,5%.
  • Thời gian bảo quản tốt nhất theo phương pháp nêu trên là 6 tháng (tỷ lệ nảy mầm ban đầu của hạt Xoan đào ngay sau khi thu hái, chế biến đạt từ 64 đến 87,2%. Sau 1 tháng bảo quản tỷ lệ nảy mầm của hạt đạt 62%, sau 3 tháng còn 59%, sau 6 tháng còn 56% và sau 9 tháng còn 54%, sau 12 tháng tỷ lệ nảy mầm của hạt còn dưới 47%).

5. Chọn vườn ươm

Chọn và lập vườn ươm đáp ứng được các yêu cầu sau:

  • Chọn địa điểm làm vườn ươm: Ở nơi có địa hình tương đối bằng phẳng.
  • Yêu cầu của vườn ươm: Gần nguồn nước tưới và tránh ngập úng, đảm bảo độ chiếu nắng, xung quanh có hàng rào bảo vệ.
  • Đất vườn ươm cần được xử lí các nguồn sâu, bệnh hại trước khi gieo ươm tạo cây con.

5. Lựa chọn thời vụ gieo hạt

  • Để đảm bảo được tỷ lệ nảy mầm và chất lượng cây giống Xoan đào, tốt nhất nên gieo hạt sau khi thu hái và chế biến quả.
  • Thời gian gieo ươm tốt nhất là vào tháng 2 đến tháng 3 dương lịch hàng năm tùy theo từng vùng sinh thái.
  • Trường hợp không gieo ngay thì tiến hành bảo quản hạt như đã nêu ở mục 2.4.

6. Xử lý hạt trước khi gieo

Hạt trước khi gieo được xử lý bằng cách ngâm trong nước ấm có nhiệt độ từ 40oC đến 50oC trong thời gian 6 giờ, sau đó vớt hạt ra để ráo nước rồi đem gieo hạt.

7. Gieo hạt

  • Giá thể gieo hạt: hạt được gieo trên luống bằng cát vàng, dầy 20-25cm, cát được rửa sạch.
  • Trước khi gieo hạt, cần xử lý nấm bệnh cho giá cát thể bằng thuốc chống nấm VibenC nồng độ 0,3% (3g/1 lít nước tưới lên luống cát, tưới cho 2m2 luống cát).
  • Hạt sau khi xử lý được gieo trên luống cát đã được tưới ẩm.
  • Cách gieo: gieo hạt Xoan đào bằng cách rải đều hạt trên luống cát sao cho các hạt không bị chồng lên nhau. Sau đó lấp cát phủ kín hạt với độ dày từ 1,5cm đến 2cm.
  • Phía trên luống gieo có dàn che với cường độ che sáng từ 70 đến 75%. Dàn che được làm bằng lưới đen che ở độ cao từ 2,5 đến 3,0m kể từ mặt luống cát.
  • Chăm sóc hạt sau khi gieo: Hàng ngày tiến hành tưới nước đủ ẩm cho hạt vào các buổi sáng sớm hoặc chiều tối bằng bình phun có lỗ nhỏ để hạn chế hạt bị hở.

Cây con Xoan đào sau khi gieo 28 ngày tuổi

8. Tạo bầu

  • Kích thước túi bầu: Do cây giống Xoan đào cần được nuôi trong vườn ươm trong khoảng thời gian ít nhất 12 đến 15 tháng. Vì vậy, để cây giống sinh trưởng, phát triển tốt trong giai đoạn vườn ươm cần sử sụng loại túi bầu Polyetylen có kính thước đường kính 12 cm, chiều cao 15cm, và được đục lỗ xung quanh bầu để thoát nước.
  • Thành phần ruột bầu: Sử dụng 93% đất tầng A và B dưới trảng cây bụi dày hoặc cây bụi có cây gỗ rải rác (loại đất thịt nhẹ đến trung bình) để làm đất đóng bầu. Sử dụng thành phần ruột bầu gồm 93% đất và 7% phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh (15% chất hữu cơ; 2,5% axit humic; 3% N; 2,5% P2O5; 2,5% K2O; Các chất trung lượng Ca, Mg, S: 0,3-0,5%; vi khuẩn Bacillus: 106 CFU/g; Azotobacter: 106 CFU/g; nấm Aspergillus sp: 106 CFU/g).
  • Cách xếp bầu: Bầu sau khi đóng xong được xếp thành từng luống rộng từ 0,8 đến 1m, giữa các luống cách nhau từ 50 đến 60cm để lấy đường đi lại phục vụ chăm sóc cây giống. Sau khi xếp bầu vào luống cần lấp đất xung quanh hàng bầu ngoài cùng của luống với chiều cao lấp đất bằng 2/3 chiều cao của bầu để hạn chế thoát hơi nước và bị đổ.
  • Thời gian tạo bầu: Bầu được tạo trước khi cấy cây con từ 7 đến 10 ngày.

9. Cấy cây con vào bầu

  • Thời gian cấy cây vào bầu: Hạt sau khi gieo khoảng từ 15 đến 20 ngày sẽ bắt đầu nảy mầm và trên 30 ngày sẽ nảy mầm đồng loạt. Sau khi hạt nảy mầm và khi cây mầm ở giai đoạn có 2 lá mầm bánh tẻ thì tiến hành lựa chọn các cây mầm khỏe mạnh để cấy vào bầu.
  • Cách cấy cây: Mỗi bầu cấy 1 cây, chọn những cây đủ tiêu chuẩn để cấy vào bầu. Khi cấy cần chọc 1 lỗ ở giữa bầu, có chiều sâu bằng chiều dài của rễ cây mầm. Đặt rễ cây mầm vào vị trí đã trọc lỗ theo hướng thẳng đứng, sau đó lấp đất kín và ấn nhẹ quanh rễ cây mầm.
  • Thời gian cấy cây vào bầu: vào buổi chiều mát.
  • Phía trên cần làm dàn che với cường độ che sáng từ 70 đến 75%.

Cấy cây Xoan đào vào bầu

10. Chăm sóc cây con

  • Tưới nước: Sau khi cấy cây con vào bầu, hàng ngày cần tưới ẩm nước để giữ độ ẩm cho cây với tần xuất 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều tối, lượng nước tưới từ 4 đến 5 lít/m2 (trừ các ngày mưa, ẩm) nhưng không được để úng nước.
  • Làm cỏ, phá váng: Theo dõi quá trình sinh trưởng của cây con trong vườn ươm, định kỳ hàng tháng tiến hành nhổ cỏ, phá váng.
  • Tưới phân bón thúc: Định kỳ cứ sau 2 đến 3 tháng tiến hành tưới phân (dinh dưỡng) cho cây, bằng cách sử dụng phân supe lân Lâm Thao từ 1 đến 3%, lượng tưới 10 lít cho một m2 diện tích mặt bầu trong một lần tưới.
  • Đảo bầu: Đồng thời định kỳ sau khi cây con 5 đến 6 tháng tuổi gieo ươm tiến hành đảo bầu (vào ngày râm mát) kết hợp phân loại cây, lọc ra các cây sinh trưởng tốt để riêng một khu và cây xấu để riêng một khu tiện cho việc chăm sóc. Trước khi trồng khoảng 30 ngày cần đảo bầu lần cuối. Đảo bầu được thực hiện vào ngày râm mát hay có mưa phùn.
  • Điều chỉnh độ che sáng: Sau 3 đến 4 tháng kể từ khi cấy cây vào bầu cần làm giàn để giảm độ che sáng còn khoảng 50%. Trước khi mang cây con đi trồng rừng từ 1,5 đến 2 tháng cần dỡ bỏ toàn bộ dàn che để huấn luyện cây (cây con quen với môi trường tự nhiên và dừng tưới phân cho cây).
 Xoan đào được cấy thành luống dưới tán che bằng lưới nilon

11. Phòng trừ sâu, bệnh

  • Xoan đào trong giai đoạn vườn ươm thường hay bị bệnh thối ngọn, thối rễ và sâu ăn lá. Vì vậy, cần theo dõi cây con thường xuyên để phòng trừ sâu, bệnh hại.
  • Cách phòng và chữa bệnh: Sử dụng thuốc phòng trừ nấm Mancozeb 80 WP (phun với nồng độ 5g/1 lít nước phun cho 2m2, định kỳ 1 tháng 2 lần (15 ngày/lần) trong thời gian 5 tháng liên tục).
Cây Xoan đào bị bệnh thui ngọn, chết cây trong giai đoạn vườn ươm

12. Tiêu chuẩn cây con xuất con

Để cây giống Xoan đào đủ tiêu chuẩn xuất vườn trồng rừng, thì cần phải đạt được các chỉ tiêu sau đây:

  • Tuổi cây từ 12-15 tháng
  • Đường kính gốc từ 0,4-0,7cm.
  • Chiều cao vút ngọn từ 50-70cm.
  • Cây sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, không bị cụt ngọn.
  • Cây đã được đảo bầu, dừng tưới phân trước khi mang đi trồng 1 tháng và đã được bỏ toàn bộ dàn che ở phía trên trước khi mang đi trồng 1,5-2 tháng.
Cây Xoan đào đủ tiêu chuẩn xuất vườn

Để phục vụ công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, cung cấp cây lấy gỗ thì việc trang bị hướng dẫn kỹ thuật nhân giống cây xoan đào từ hạt là vô cùng cần thiết. Bên cạnh việc cung cấp kiến thức, Cây giống Tam Đảo luôn sẵn sàng phục vụ quý khách nếu có nhu cầu mua cây giống xoan đào, xoan ta. Chúng tôi cam kết cung cấp giống cây giá rẻ, chất lượng uy tín nhất trên thị trường.

Tham khảo dựa trên bài viết của nhóm tác giả: TS. Hoàng Văn Thắng, ThS. Cấn Thị Lan, ThS. Nguyễn Trọng Điển, ThS. Cao Văn Lạng.

Mọi thắc mắc mua hàng xin liên hệ:

SĐT: 0967239503 hoặc 034764744

Địa chỉ: Quan Ngoại – Tam Quan – Tam Đảo – Vĩnh Phúc

Email: [email protected]

Facebook: https://www.facebook.com/caygiongtamdao123/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *